Sunday, December 31, 2000

Người mắc bệnh gan: Cần ăn uống hợp lý

Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các biện pháp nghỉ ngơi, điều tiết trong làm việc, sinh hoạt thể lực sao cho phù hợp để tăng cường sức lực, chống chọi với bệnh tật và làm cho bệnh mau hồi phục là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết.

Đối với người bệnh viêm gan cấp

Trong viêm gan cấp, tế bào gan bị phá hủy nhiều và nhanh chóng, do đó, các hoạt động bình thường của gan bị xáo trộn, thường biểu hiện bằng các triệu chứng như: mệt mỏi và rối loạn tiêu hóa: chán ăn, ăn không tiêu, sình bụng, tiêu chảy, nhất là hay bị nôn ói. Khi đó, rất cần một chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý, không nhất thiết phải kiêng ăn quá mức mà ngược lại cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng, nên chọn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như: các chất bột, đường dễ hấp thu như: gạo, ngũ cốc, đường, mật ong và hoa quả ngọt. Bệnh nhân thường được khuyên ăn nhiều trái cây ngọt như: chuối, nhưng không có nghĩa là “ăn chuối để chữa bệnh viêm gan” như một số người đã lầm tưởng. Riêng các chất đạm, nên chọn các loại có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ít chất béo như lòng trắng trứng, vì lượng đạm cần cung cấp đầy đủ như một người bình thường là 50 - 70g mỗi ngày, các loại thịt cá nạc, sữa không béo, đậu hũ.

Người mắc viêm gan nên chọn các loại đạm có giá trị dinh dưỡng cao mà dễ tiêu hóa như đậu hũ...

Người mắc viêm gan nên chọn các loại đạm có giá trị dinh dưỡng cao mà dễ tiêu hóa như đậu hũ...

Nếu bị viêm gan quá nặng, với các triệu chứng như vật vã, lơ mơ báo hiệu tình trạng sắp bị hôn mê thì phải giảm lượng đạm chỉ còn dưới 40g mỗi ngày, bởi các chất như amôniắc (NH3) sinh ra từ chất đạm không được gan đào thải, sẽ tích tụ trong máu gây ảnh hưởng đến hoạt động của não. Đối với chất béo, nên giảm bớt chứ không cữ ăn hoàn toàn. Không ăn các thức ăn có nhiều cholesterol như: óc, tim, gan, lòng heo, lòng đỏ trứng vì sự bài tiết mật có thể bị giảm hoặc bế tắc, dẫn đến không tiêu hoá hết các chất béo. Chất béo chỉ sử dụng khoảng 10% tổng năng lượng (khoảng 15g mỗi ngày). Đặc biệt, ăn nhiều rau quả tươi sẽ cung cấp chất khoáng và các vitamin rất cần thiết để gan hoạt động bình thường trở lại.

Khi bị bệnh bắt buộc phải ngưng hẳn rượu, bia và các thức uống có cồn cho đến khi gan hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra, cần phải thận trọng khi sử dụng các loại thuốc vì một số thuốc có thể gây độc cho gan như: thuốc an thần, các thuốc giảm đau, chống viêm, ngay cả paracetamol. Vì vậy, khi cần sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào nên hỏi ý kiến của thầy thuốc chứ không được tự ý uống và khi đến khám bệnh, dù bất cứ bệnh gì, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ rõ về tiền sử bệnh gan của mình để bác sĩ lựa chọn thuốc cho phù hợp tránh sử dụng thuốc có ảnh hưởng đến gan. Nếu người bệnh bị nôn ói liên tục hoặc tiêu chảy nhiều, nhất thiết phải nhập viện để truyền dịch và nuôi ăn bằng đường truyền tĩnh mạch. Về ăn uống, trong giai đoạn viêm gan cấp, người bệnh nên chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày, ăn từng ít một, không nên ăn một lần quá no.

Người bị viêm gan thường hay có triệu chứng chán ăn và nôn ói vào buổi chiều cho nên có thể cho ăn nhiều hơn vào buổi sáng, còn chiều tối chỉ cần ăn nhẹ hoặc uống sữa để tránh đầy bụng và nôn sau khi ăn. Ngoài chế độ dinh dưỡng, thuốc men trong điều trị bệnh viêm gan, người bệnh nên nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc.

Đối với viêm gan mạn

Khi gan bị viêm mạn tính, đa số người bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt, họ vẫn cảm thấy bình thường mặc dù gan có thể đã bị hư hoại ngày một nặng hơn. Một số người có cảm giác mệt mỏi và ăn uống kém đi, khi đó trong chế độ ăn rất cần phải có sự cân đối giữa các chất đường, đạm, béo và cung cấp đầy đủ năng lượng. Vì vậy, việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng sẽ giúp người bệnh cảm thấy khỏe hơn, cơ thể đủ sức chống chọi với tình trạng viêm nhiễm cũng như các tác dụng phụ do điều trị gây ra. Trong giai đoạn này nếu vẫn còn cảm giác ăn uống và tiêu hóa bình thường, người bệnh không cần thiết phải kiêng ăn quá mức. Vì ăn kiêng nhất là thức ăn quá nhạt nhẽo sẽ làm cho người bệnh cảm thấy chán không thèm ăn mà khi ăn uống kém càng làm cho người bệnh mau mệt mỏi, thiếu sức hoạt động như thế bệnh gan sẽ nặng hơn. Tuy nhiên, người bệnh cần hạn chế các thức ăn quá nhiều gia vị và dầu mỡ vì sẽ gây nên tình trạng khó tiêu, nên chọn các loại đạm có giá trị dinh dưỡng cao mà dễ tiêu hóa như đậu nành, đậu hũ... Ở người viêm gan mạn tính, chất glycogen (một loại đường dự trữ ở gan) bị giảm, cho nên cần cung cấp đều đặn chất bột, đường như bánh, trái cây ngọt; nếu không, người bệnh dễ bị những cơn mệt lả, vã mồ hôi do giảm lượng đường trong máu.

Người mắc viêm gan thường được khuyên ăn nhiều trái cây

Người mắc viêm gan thường được khuyên ăn nhiều trái cây

Dù bị bệnh gan mạn tính do bất kỳ nguyên nhân nào, người bệnh cũng không nên uống rượu bia vì sẽ làm cho tình trạng viêm gan bị nặng hơn, người bệnh chỉ được uống mỗi ngày một viên thuốc đa sinh tố để cung cấp thêm các vitamin và khoáng chất cần thiết cho hoạt động bình thường của gan. Nếu viêm gan mạn do nghiện rượu, cần phải bổ sung thêm các vitamin nhóm B và axít folic. Người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường, tập thể dục, thể thao vừa sức tránh các công việc nặng nhọc.

Khi bị vàng da tắc mật

Khi bị vàng da do tắc mật, người bệnh thường bị ngứa, tiêu chảy và phân sẽ có váng mỡ do mật không được bài tiết xuống ruột đầy đủ để tiêu hoá chất béo. Ngoài ra, người bệnh còn bị thiếu các vitamin tan trong mỡ như vitamin A, vitamin D, vitamin K.

Khi bị tắc mật, người bệnh cần thực hiện như sau:

- Không nên dùng các loại mỡ động vật mà chỉ nên sử dụng các loại dầu thực vật, vì chúng dễ tiêu hóa, tuy nhiên chúng lại không cung cấp đủ các chất béo cần thiết.

- Mỗi tháng, người bệnh cần phải bổ sung vitamin K1, vitamin A và vitamin D.

- Nếu bị ngứa, có thể dùng thuốc cholestyramine để ngăn sự hấp thu muối mật để làm giảm bớt ngứa.

BS. HỒ VĂN CƯNG

Những sai lầm khi xử trí bong gân, trật khớp

Bong gân là thuật ngữ dân gian nhằm chỉ những tổn thương làm căng giãn, đứt một phần hoặc hoàn toàn dây chằng dẫn đến tình trạng mất vững khớp nhưng chưa gây trật khớp.

Trật khớp là sự di chuyển bất thường của các đầu xương khiến cho diện tiếp khớp của các đầu xương bị sai lệch. Trật khớp là hậu quả của những chấn thương nặng và thường kèm theo tình trạng tổn thương nặng nề của dây chằng, bao khớp và các cấu trúc xung quanh.

Nhận biết thế nào là bong gân, trật khớp

Bong gân, trật khớp có thể xảy ra ở tất cả các khớp nhưng thường gặp ở khớp cổ chân, khớp gối, khớp cổ tay, khớp khuỷu và khớp vai. Bong gân, trật khớp thường là hậu quả của những chấn thương đột ngột, gắng sức do cơ chế chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp vào vùng khớp gây nên.

Những sai lầm khi xử trí bong gân, trật khớpHình ảnh trật khớp vai trên phim Xquang.

Biểu hiện của bong gân rất thay đổi, tùy thuộc vào mức độ nặng của tổn thương. Các triệu chứng của bong gân thường là đau, sưng nề, bầm tím tụ máu vùng khớp, giảm khả năng vận động khớp và chi thể bị tổn thương. Trong trường hợp nặng, bong gân dẫn đến lỏng khớp và mất chức năng của khớp.

Trật khớp thường có biểu hiện nặng hơn nhiều so với bong gân. Các triệu chứng của trật khớp bao gồm biến dạng khớp, sưng nề và bầm tím phần mềm xung quang khớp, đau rất nhiều, không vận động được khớp bị trật, có cảm giác tê bì, kiến bò vùng chi thể phía dưới khớp bị trật. Trật khớp có thể gây biến chứng tổn thương mạch máu và thần kinh kèm theo.

Tổn thương thường gặp trong bong gân và trật khớp:

Khớp vai: Trật khớp vai tái diễn do tổn thương sụn viền và bao khớp phía trước. Rách gân cơ chóp xoay, tổn thương sụn viền, tổn thương đầu dài gân cơ nhị đầu.

Khớp khuỷu: Trật khớp khuỷu, tổn thương đầu xa gân cơ nhị đầu cánh tay.

Khớp cổ tay: Trật khớp quay trụ dưới, tổn thương phức hợp sụn sợi.

Khớp gối: Đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên trong, dây chằng bên ngoài, rách sụn chêm, trật bánh chè tái diễn...

Khớp cổ chân: Tổn thương dây chằng delta, dây chằng sên mác trước...

Những sai lầm khi xử trí bong gân, trật khớp

Nhiều người cho rằng bong gân, trật khớp là những thương tích nhẹ, có thể tự điều trị. Dùng dầu nóng, rượu ngâm xoa vào vùng chi thể bị bong gân, trật khớp có thể để lại những hậu quả khôn lường. Điều trị đắp thuốc lá (những phương thức điều trị dân gian chưa được kiểm chứng) có thể để lại những biến chứng và di chứng nặng nề. Hậu quả của điều trị bong gân, trật khớp không đúng làm cho triệu chứng của bệnh kéo dài, teo cơ, cứng khớp và mất chức năng của khớp.

Những sai lầm khi xử trí bong gân, trật khớpChườm lạnh để giảm sưng nề.

Những điều nên làm khi bị bong gân

Bong gân nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, bong gân nặng cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán mức độ nặng, điều trị và theo dõi sau điều trị. Xử trí cấp cứu khi bị bong gân cần thực hiện theo nguyên tắc sau:

Thứ nhất, để chi thể bị tổn thương được nghỉ ngơi. Trong trường hợp bong gân nhẹ, cần hạn chế vận động khớp bị tổn thương. Nếu tổn thương khớp chi dưới, cần hạn chế đi lại hoặc hỗ trợ đi lại bằng nạng. Nếu tổn thương khớp chi trên, cần tránh các động tác gây đau cho khớp. Khi người bệnh đỡ đau có thể nhẹ nhàng tập vận động trở lại. Trong trường hợp bong gân nặng, cần phải để khớp bị thương tổn ở tư thế cơ năng - là tư thế mà khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn. Người bệnh thường được bó bột hoặc nẹp bột để hỗ trợ cho khớp ở tư thế cơ năng. Sau 4-6 tuần, có thể cho người bệnh tập vận động trở lại.

Thứ hai, nên chườm lạnh. Sử dụng túi chườm lạnh để thực hiện chườm lạnh cho vùng khớp bị thương tổn. Chườm lạnh cần được thực hiện càng sớm càng tốt ngay sau khi bị chấn thương, trong khoảng 15-30 phút, 4-8 lần mỗi ngày trong vòng 48 giờ đầu hoặc cho đến khi thấy đỡ sưng nề. Nếu sử dụng đá để chườm, cần tránh chườm một vị trí trong thời gian quá lâu gây bỏng lạnh phần mềm.

Thứ ba, cần băng ép vùng khớp bị thương tổn. Sử dụng băng chun để thực hiện băng ép. Băng ép quá chặt sẽ gây khó chịu cho người bệnh nhưng cũng không quá lỏng thì mới hiệu quả.

Thứ tư, cần nâng cao chi thể bị tổn thương bằng cách để vùng ngọn chi (bàn tay, bàn chân) cao hơn vùng gốc chi (khuỷu, gối) hoặc nâng cao vị trí khớp bị thương tổn hơn mức tim khi có thể tạo thuận lợi cho máu trở về tim dễ dàng nhằm hạn chế và phòng ngừa sưng nề cho vùng chi thể bị tổn thương.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Những trường hợp sau đây nên đến bác sĩ để được thăm khám: Bị chấn thương lại vào vùng khớp đã bị bong gân trước đó. Đau nhiều vùng khớp bị thương tổn, không thể vận động được khớp hoặc không thể đứng tỳ chân hay đi lại được. Không thể bước đi được 4 bước mặc dù không thấy đau nhiều hoặc người bệnh cảm thấy lỏng khớp. Bong gân được điều trị muộn hoặc không đúng dẫn đến tình trạng lỏng khớp và đau khớp mạn tính.

Điều trị bong gân thế nào?

Dùng thuốc: Đối với bong gân nhẹ và vừa, bác sỹ thường hướng dẫn tự chăm sóc tại nhà theo nguyên tắc trên và dùng thuốc giảm đau chống viêm thông thường như paracetamol, ibuprofen… Tập phục hồi chức năng được thực hiện khi người bệnh cảm thấy đỡ đau. Quá trình tập vận động khớp được thực hiện từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ đến nặng.

Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể được chỉ định khi bong gân nặng, nghĩa là dây chằng bị đứt hoàn toàn và dẫn đến tình trạng lỏng khớp.

Điều trị trật khớp

Trật khớp là một thương tích nặng, có nhiều biến chứng và di chứng. Điều trị trật khớp cần có bác sĩ chuyên khoa. Điều trị trật khớp phụ thuộc vào vị trí và mức độ nặng của khớp bị trật, bao gồm: Nắn chỉnh khớp, bất động khớp, phẫu thuật và cuối cùng là phục hồi chức năng. Quá trình tập phục hồi chức năng là một quá trình lâu dài với nhiều bài tập từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ đến nặng và từ cường độ thấp đến cường độ cao.

ThS.BS. Đỗ Văn Minh

((BV Đại học Y Hà Nội))

Triệu chứng bé bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH), sốt xuất huyết Dengue là bệnh lưu hành quanh năm ở Việt Nam nhưng thường tăng cao từ tháng 6 đến tháng 11.

Những triệu chứng phổ biến ở trẻ bị bệnh SXH

Sốt xuất huyết là bệnh do vi rút gây ra, phần lớn bệnh nhi có thể tự hồi phục nếu được chăm sóc tốt và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, hiện tại cũng còn khoảng 25% số bệnh nhân có biến chứng sốc, xuất huyết tiêu hóa, đặc biệt tỉ lệ tử vong ở những bệnh nhân bị biến chứng sốc là khoảng 2 - 3%. Việc phát hiện sớm bệnh SXH ở trẻ em cần chú ý những dấu hiệu sau đây:

- Trẻ em thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 2 - 7 ngày, kèm những biểu hiện như đỏ bừng mặt, da sung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Trong một số trường hợp, trẻ có thể kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Vào thời điểm này, những triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu, không thể phân biệt với nhiễm các loại virút khác.

- Tiếp sau đó, trẻ có thể biểu hiện dấu hiệu xuất huyết như: chấm xuất huyết, còn gọi là petechiae (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào) thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng; xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi (chảy máu cam), chảy máu răng, đi cầu ra máu. Ở nữ tuổi dậy thì có thể xuất huyết âm đạo. Những triệu chứng xuất huyết này ít xảy ra vào những ngày đầu. Gan có thể to sau một vài ngày. Xét nghiệm công thức máu vào thời gian này, kết quả cho thấy giảm bạch cầu, đó là dấu hiệu cảnh báo khả năng SXH Dengue.

- Từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh, trẻ giảm sốt hoặc hết sốt hẳn với những biểu hiện hồi phục dần dần như trẻ tỉnh táo, ăn uống ngon miệng, tiểu nhiều…Tuy nhiên phụ huynh cần hết sức lưu ý, có một số bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu trở nặng, những trường hợp này cần cho trẻ nhập viện ngay để điều trị tích cực hơn.

- Một số trường hợp có thể diễn tiến đến sốc SXH rất nguy hiểm cho trẻ. Một số trường hợp biểu hiện tổn thương các cơ quan nội tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim hoặc xuất huyết trầm trọng, có thể kèm hoặc không kèm theo tình trạng cô đặc máu và sốc.

Thông điệp phòng ngừa bệnh SXH :

- Mọi gia đình hãy đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng nhằm ngăn chặn bệnh SXH.

- Hãy thả cá vào các lu, chum, vại, bể chứa nước để diệt bọ gậy (lăng quăng), phòng chống SXH.

- Lật úp các dụng cụ chứa nước và loại bỏ các vật liệu phế thải để loại trừ bọ gậy, phòng chống SXH.

ThS.BS. ĐINH THẠC

Phát hiện sớm tắc động mạch chi dưới, tránh tàn phế

Tắc động mạch chi cấp tính là tình trạng đột ngột thiếu máu chi, đe dọa đến khả năng bảo tồn chi. Đây là bệnh cảnh cấp cứu và nguy hiểm nhất đối với mạch ngoại biên, dễ có nguy cơ cắt cụt chi gây tàn tật, thậm chí tử vong nếu không được điều trị thích hợp.

Nguyên nhân của bệnh

Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây tắc mạch chi cấp tính, đó là do cục máu đông từ vị trí khác di chuyển gây tắc mạch, do huyết khối hình thành trên các mạch máu bệnh lý có sẵn và do chấn thương mạch máu.

Nhóm nguyên nhân do cục máu đông di chuyển từ vị trí khác gây tắc mạch hay gặp nhất trong bệnh tim mạch (90% các trường hợp), chủ yếu do loạn nhịp tim (như rung nhĩ), nhồi máu cơ tim, bệnh lý van tim (vôi hóa van tim, cục sùi trong viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn...) hay các nguyên nhân khác hiếm gặp hơn như phình vách liên thất, u nhầy nhĩ trái... Ngoài nguyên nhân do bệnh tim mạch, chúng ta còn gặp khoảng 10% do các bệnh lý của động mạch như mảng xơ vữa bị loét, các phình động mạch (như phình động mạch chủ bụng, phình động mạch khoeo...).

Nguyên nhân do huyết khối hình thành trên mạch máu bệnh lý như động mạch bị xơ vữa. Huyết khối có thể được tổ chức hóa và biểu mô hóa làm hẹp lòng mạch, dần dần gây tắc lòng mạch. Các bệnh lý phình động mạch, bóc tách động mạch chủ cũng dễ hình thành các huyết khối. Một số bệnh lý khác có tình trạng tăng đông máu như đa hồng cầu, tăng tiểu cầu, Lupus ban đỏ hệ thống, ung thư... cũng dễ hình thành huyết khối trong lòng mạch.

Một nhóm nguyên nhân ngày càng phổ biến là các chấn thương và vết thương mạch máu, gây đụng giập mạch máu, sẽ hình thành huyết khối gây tắc mạch hoặc do phù nề tổ chức, chèn ép gây tắc mạch.

Hình ảnh tắc mạch chi cấp tính (cục máu đông từ vị trí khác di chuyển gây tắc mạch).

Biểu hiện thế nào?

Để chẩn đoán tắc mạch thường không khó và các triệu chứng khá điển hình. Người bệnh sẽ có 5 dấu hiệu cơ bản sau:

Đau: Có thể thay đổi tùy theo thời điểm khởi phát, tiến triển theo thời gian, vị trí và mức độ tắc nghẽn.

Mất mạch (pulselessness): Sờ mạch mu chân không thấy là một dấu hiệu gợi ý có giá trị, cần siêu âm Doppler ngay lập tức khi nghi ngờ để chẩn đoán xác định.

Xanh nhợt (pallor): Sờ vào chi thấy lạnh da xanh nhợt. Dấu hiệu lạnh chi so với bên đối diện rất quan trọng và đặc hiệu.

Rối loạn cảm giác chi (paresthesia): khoảng 50% các trường hợp có biểu hiện tê bì, dị cảm.

Liệt vận động (paralysis): Đây là dấu hiệu gợi ý tiên lượng rất xấu cho người bệnh.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp triệu chứng lâm sàng không đầy đủ, chỉ thấy chi lạnh, mạch ngoại vi không bắt được. Khi đó, cần khám lâm sàng tỉ mỉ và so sánh với bên lành để tránh bỏ sót tổn thương.

Để hỗ trợ chẩn đoán, hiện nay 2 xét nghiệm cận lâm sàng chính giúp chẩn đoán chính xác là siêu âm mạch máu và chụp cắt lớp vi tính đa dãy (có tiêm thuốc cản quang).

Trên lâm sàng, người ta chia thành 3 giai đoạn, để giúp cho thầy thuốc có kế hoạch điều trị cho phù hợp.

Giai đoạn I: Người bệnh chưa mất cảm giác, vận động cơ còn tốt. Kiểm tra còn có mạch. Giai đoạn này không đe dọa cắt cụt chi ngay lập tức và có thể bảo tồn được.

Giai đoạn IIa: Người bệnh không yếu cơ (còn vận động tốt) nhưng đã mất cảm giác ở đầu chi (như ở ngón chân). Những trường hợp này có thể bảo tồn chi, tuy nhiên cần theo dõi rất sát.

Giai đoạn IIb: Người bệnh đã mất cảm giác chi, phía trên các ngón chân, có liệt nhưng không hoàn toàn. Đây là trường hợp cần cấp cứu không thể trì hoãn, chỉ có thể bảo tồn chi nếu điều trị can thiệp ngay lập tức.

Giai đoạn III: Đây là giai đoạn cuối với biểu hiện liệt và mất cảm giác hoàn toàn chi. Khi bệnh nhân trong giai đoạn này, sẽ không thể bảo tồn chi, bắt buộc phải cắt cụt chi tránh tử vong do nhiễm độc chi bị hoại tử.

Phương pháp điều trị

Tắc động mạch chi cấp đòi hỏi phải được điều trị sớm và rất tích cực. Phối hợp cả điều trị nội và ngoại khoa. Các bước điều trị bao gồm:

Tránh sự lan rộng của cục máu đông: Từ khi ra đời thuốc heparin, tạo ra cuộc cách mạng trong điều trị thiếu máu cấp tính chi dưới. Heparin sẽ được bác sĩ dùng ngay khi xác định chẩn đoán. Bên cạnh điều trị thuốc, cần sớm xử lý lấy bỏ cục máu gây tắc mạch, phương pháp hiện nay chủ yếu bằng phẫu thuật. Cục máu đông sẽ được lấy bỏ bằng một dụng cụ đặc biệt, gọi là Fogarty. Đến nay, một số trung tâm mạch máu tại các bệnh viện lớn của nước ta đã được trang bị dụng cụ này để có thể tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Ngoài ra, tùy vào bệnh lý cụ thể, có thể phải cân nhắc làm cầu nối mạch máu hoặc dùng thuốc làm tan huyết khối hoặc phối hợp với kỹ thuật hút bỏ huyết khối. Khi có dấu hiệu chèn ép khoang, cần phải phối hợp mở cân.

Cắt cụt chi là phương pháp cuối cùng, khi thiếu máu không hồi phục hoặc khi điều trị tái tưới máu thất bại, có rối loạn toàn thân do hội chứng tái tưới máu, rối loạn chuyển hóa gây đe dọa tính mạng.

Bên cạnh điều trị tái tưới máu, cần điều trị các bệnh lý gây thuận lợi cho tắc mạch, điều trị các nguyên nhân dẫn đến tắc mạch chi cấp như bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý mạch máu mạn tính...

Để phòng tránh tắc mạch chi dưới cấp tính, cần điều trị tốt các bệnh lý có thể là nguyên nhân dẫn đến tắc mạch cấp và quan trọng nhất là khi có biểu hiện bất thường, cần nhanh chóng đến cơ sở chuyên khoa mạch máu để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất. Hiện nay, đa số bệnh nhân đến viện vẫn còn ở giai đoạn muộn dẫn đến khả năng bảo tồn chi còn rất hạn chế. Một số người bệnh có đến viện nhưng không đúng chuyên khoa cũng dẫn đến mất cơ hội bảo tồn chi và làm giảm kết quả điều trị, vì vậy trong tắc động mạch chi cấp tính, vấn đề chẩn đoán kịp thời và thời gian được điều trị là rất quan trọng.

Quá trình hoại tử chi bắt đầu diễn ra 4 giờ sau khi có tình trạng tắc mạch chi. Trước đây, phẫu thuật điều trị thiếu máu cấp tính ở chi chỉ có một phương pháp duy nhất là cắt cụt. Cùng với sự tiến bộ của y học cũng như hiểu biết đầy đủ về cơ chế sinh bệnh, điều trị tắc động mạch chi đã có thay đổi rất nhiều, trong đó phải kể đến sự ra đời của kỹ thuật lấy cục máu gây tắc bằng dụng cụ đặc biệt, gọi là Fogarty và kỹ thuật tái lập lưu thông mạch máu bằng phẫu thuật cầu nối.Tắc động mạch chi cấp tính là một cấp cứu nội - ngoại khoa mạch máu, đòi hỏi phải được chẩn đoán kịp thời, điều trị nhanh và kết hợp cả dùng thuốc và phẫu thuật, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ tử vong của bệnh vẫn còn cao (20-25%) và tỷ lệ tàn phế do cắt cụt chi cũng chiếm đến 30% do đa số người bệnh được điều trị bệnh ở giai đoạn muộn.

BS. Ngô Tuấn Anh

Mách mẹ bí quyết chọn thuốc ho cho trẻ

Bé trai 3 tuổi nhà chị L. (quận 3, TP HCM) thường xuyên đau ốm do sinh nhẹ cân. Hễ thời tiết thay đổi, bé lại húng hắng ho và nghẹt mũi, có khi sốt. Lo lắng cho sức khỏe của con, chị L. đưa con khám ở nhiều nơi để tham khảo. Tuy nhiên, chị được kê toa và giới thiệu nhiều loại thuốc ho khác nhau khiến chị bối rối.

Ảnh minh hoạ

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội – Phó trưởng khoa Miễn dịch dị ứng Bệnh viên Nhi Trung ương cho biết: lựa chọn thuốc ho cho trẻ cần quan tâm đến các yếu tố dưới đây.

Tính hiệu quả và an toàn

Đây là hai yếu tố quan trọng giúp bác sĩ kê toa và bệnh nhân quyết định sử dụng thuốc. Đối với trẻ nhỏ, tính an toàn cần được đặt lên hàng đầu.

Thuốc ho được chia thành nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm phù hợp cho độ tuổi nhất định. Chẳng hạn như nhóm thuốc làm dịu cơn ho chứa hoạt chất codein, dextromethorphan... Hoạt chất dextromethorphan không dùng cho bé dưới 2 tuổi, codein không dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi vừa thực hiện cắt amiđan hoặc thủ thuật nạo amidan họng, trẻ có các vấn đề hô hấp như khó thở, thở khò khè khi ngủ và thận trọng khi sử dụng codein cho trẻ dưới 12 tuổi.

Ngoài việc dùng thuốc ho đúng nhóm tuổi, mẹ nên ưu tiên chọn các loại thuốc ho có tuổi đời lâu năm. Đây là các loại thuốc ho được nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả điều trị. Qua thời gian dài sử dụng trên diện rộng, thuốc cũng được các nhà chuyên môn đánh giá về tính an toàn và tác dụng phụ.

Thành phần

Thuốc điều trị ho có nhiều hoạt chất khác nhau, nguồn gốc từ hóa dược hoặc dược liệu thiên nhiên. Trẻ nhỏ dùng hóa dược có thể gặp nhiều tác dụng phụ. Chẳng hạn như nhóm thuốc kháng histamin chứa hoạt chất diphenhydramin, chlorpheniramin, promethazin… giúp chống dị ứng, giảm ngứa họng, giảm ho và hạn chế tiết dịch mũi. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ, khô miệng, chán ăn và táo bón, thậm chí gây kích động và co giật.

Thay vào đó, mẹ có thể lựa chọn các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược để điều trị ho hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, cần phân biệt thuốc ho với thực phẩm chức năng trị ho có thành phần thảo dược. Thuốc có tác dụng điều trị ho, trong khi thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị.

Nguồn gốc

Dù mua thuốc ho trong nước hay ngoại nhập, mẹ cũng nên xem kỹ hãng sản xuất, công ty phân phối... Nên chọn thuốc ho do các công ty lớn, có thương hiệu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế sản xuất, đồng thời mua tại các hiệu thuốc lớn và uy tín. Tránh mua thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán tại chợ đen hoặc trên mạng.

Giá cả

Giá cả là yếu tố cuối cùng nên xem xét khi các yếu tố khác như hiệu quả điều trị, tính an toàn, thương hiệu đều tương đồng. Các thuốc sản xuất trong nước được hưởng lợi về thuế nên giá thường hợp lý hơn thuốc nhập khẩu. Các yếu tố trên là cơ sở tham khảo khi mẹ quyết định chọn mua thuốc ho cho bé. Trên hết, mẹ vẫn cần tham vấn ý kiến bác sĩ để chọn thuốc hiệu quả, an toàn và kinh tế.

 

Thuốc ho thảo dược Prospan sản xuất bởi Engelhard Arzneimittel, Đức, được nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả và tin dùng trên 102 quốc gia. Prospan chứa cao khô lá thường xuân chiết xuất theo quy trình đặc biệt, được cấp bằng sáng chế bảo hộ độc quyền.

Sản phẩm chỉ định cho trường hợp viêm đường hô hấp cấp có kèm theo ho, điều trị triệu chứng trong các bệnh lý viêm phế quản mạn tính.

Chống chỉ định trường hợp bất dung nạp fructose, phụ nữ có thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Số đăng ký thuốc VN-17873 -14, XNQC số 0145 Bộ Y tế cấp ngày 16/8/2016.

Thông tin truy cập wesite hoặc facebook. Hotline: 094 240 8866

Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh sởi

Con tôi được 10 tháng tuổi. Thời gian vừa rồi cháu bị ốm nên chưa tiêm phòng bệnh sởi. Trong xóm nhà tôi mới có một cháu mắc sởi nên tôi lo lắng vì bệnh này rất dễ lây. Xin bác sĩ cho biết biểu hiện của bệnh sởi và cách chăm sóc như thế nào?

Nông Thị Mai (Bắc Kạn)

Mặc dù là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh sởi có thể gây nhiều biến chứng. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5oC - 40oC, có thể có sốt cao co giật, kèm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ đau khớp. Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Sau đó lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 của bệnh. Phát ban kéo dài vài ngày sau đó mất dần.

Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng trong hoặc sau khi mắc bệnh sởi như: Viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm kết mạc mắt, viêm cơ tim, viêm loét niêm mạc má, miệng;…

Do đó khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh sởi cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm. Phần lớn bệnh nhân sởi trong trường hợp nhẹ, chưa có biến chứng thường được hướng dẫn điều trị và chăm sóc tại nhà như sau: Theo dõi nhiệt độ, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, giữ vệ sinh cơ thể trẻ, lau người cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm, cho trẻ ăn uống đủ chất, thức ăn dễ tiêu,… Khi chăm sóc trẻ bệnh cần chú ý các dấu hiệu nặng lên như: Sốt cao, ho nhiều, tiêu chảy nhiều, ban sởi lặn hết mà vẫn còn sốt,… khi đó cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Văn An

Ngừa thừa cân béo phì tuổi học đường

Đúng là những đứa trẻ TCBP có thể chưa mắc ngay những căn bệnh do chứng béo phì gây ra như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ... nhưng chúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành. Không những thế, TCBP ở trẻ tiểu học làm ngừng tăng trưởng sớm, hay mắc bệnh và kém thông minh.

Dinh dưỡng cân bằng rất quan trọng

Tuổi học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc, trí tuệ, thể lực của trẻ sau này. Đây cũng là giai đoạn trẻ tích lũy chất dinh dưỡng chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì.

Ở mỗi giai đoạn trong đời người, dinh dưỡng có sự khác biệt đáng kể. Giai đoạn học đường là giai đoạn quan trọng về dinh dưỡng. Không phải khi lớn lên tất cả những trẻ béo phì sẽ là những người lớn béo phì. Nhưng theo kết quả một cuộc nghiên cứu những người béo ở độ tuổi 26 là những đứa trẻ mập ở tuổi lên 7 nhiều gấp 3,9 lần; người béo ở độ tuổi 30 là những đứa trẻ mập ở độ tuổi 10-13 nhiều gấp 6,7 lần. Trẻ em khác với người trưởng thành vì chúng đang trong giai đoạn phát triển nên chúng vẫn cần phải hấp thụ những chất dinh dưỡng cần thiết. Không thể áp dụng chế độ ăn kiêng của người trưởng thành cho trẻ em. Do đó, dinh dưỡng cho tuổi học đường cần đạt được sự cân đối cả về số lượng và chất lượng. Tăng cân, giữ cân hay giảm cân: cần tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cũng như gây ra tình trạng trẻ TCBP rất khó kiểm soát.

Ngay từ tuổi học đường, nhà trường và gia đình cần giúp các em hiểu biết về dinh dưỡng, ăn uống khoa học, nguy cơ về sức khỏe do TCBP, dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực.

Ngừa thừa cân béo phì tuổi học đườngCùng với chế độ ăn khoa học, cần cho trẻ tăng cường vận động để ngừa béo phì. Ảnh: TM

Nguyên nhân gây TCBP

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nguyên nhân TCBP ở trẻ em là do chế độ ăn giàu năng lượng, giàu chất đạm “trẻ không thích - ăn ít hoặc không ăn; trẻ thích - ăn nhiều” dẫn đến mất cân bằng về dinh dưỡng; Trẻ ít hoạt động thể lực; Trẻ ăn thức ăn chế biến sẵn, thức ăn có chỉ số đường huyết cao; Cha mẹ, ông bà thích trẻ bụ bẫm.

Không ít người vẫn giữ một quan niệm là trẻ con thì phải trắng và béo mới là tốt. Họ không biết rằng trẻ em TCBP là một mối đáng lo ngại cho sức khỏe. Có nghiên cứu cho rằng, trẻ TCBP thiếu vitamin D, thiếu sắt, thiếu kẽm cao gấp 2 lần trẻ bình thường, trẻ TCBP có chỉ số trí tuệ kém hơn trẻ em phát triển bình thường.

Lời khuyên của thầy thuốc

Một số ít đứa trẻ ở độ tuổi học đường tỏ ra thực sự quan tâm đến hình thể và sức khỏe của mình thì sẵn sàng thực hiện một thói quen ăn uống khoa học, tốt cho sức khỏe hay một chế độ ăn kiêng nghiêm túc. Nhưng hầu hết trẻ TCBP khó thực hiện ăn kiêng kết hợp với rèn luyện thể lực như một người lớn. Khả năng hấp thu tốt - tích lũy mỡ trong một đứa trẻ tăng thì những tế bào mỡ trong cơ thể chúng cũng tăng lên rất nhanh và khó có thể kiểm soát được sự gia tăng này. Ngoài vấn đề sức khỏe, những đứa trẻ TCBP thường hay bị bạn bè trêu trọc sẽ trở nên nhút nhát, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển nhân cách và giao tiếp của các em với mọi người xung quanh và môi trường xã hội. Chính vì vậy, “phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh” và phòng béo là cách tốt nhất đối với những trẻ sắp trở nên béo phì.

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng có thể làm giảm cân cho trẻ bằng cách ăn ít cơm. Thực chất gạo là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, một đứa trẻ không ăn cơm có thể trở nên lười hoạt động và buồn ngủ, thậm chí càng dễ tăng cân hơn. Trẻ ăn quá nhiều chất bổ dưỡng nhưng lại không đạt tới chế độ dinh dưỡng cân bằng, chẳng hạn các em ăn quá nhiều chất đạm, đường nhưng lại không đủ lượng các sản phẩm chế biến từ sữa, ăn quá ít chất xơ, rau quả giàu vitamin và khoáng chất. Do vậy, ở mọi lứa tuổi, cần thường xuyên theo dõi cân nặng của trẻ nhằm phát hiện sớm trẻ TCBP để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn, đồng thời tăng cường rèn luyện thể chất cho trẻ.

TS. Bùi Thị Nhung

Người mắc bệnh gan: Cần ăn uống hợp lý

Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các biện pháp nghỉ ngơi, điều tiết trong làm việc, sinh hoạt thể lực sao cho phù hợp để tăng cường sức lực, chố...